Tuesday, May 19, 2020

CHÚNG TÔI ĐÃ SỐNG!

Sau ngày 30-4-1975, tôi học được một bài học đầy máu và nước mắt là: Mất nước là mất tất cả, đừng bao giờ trông chờ vào sự bao dung độ lượng của đối phương, dù đối phương đó là người cùng màu da, cùng tiếng nói với mình!
Chỉ có những người anh hùng mới kết thúc cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ một cách văn minh, nghĩa trang bên nào bên đó tự lo lấy, không làm nhục phe bại trận, không có tù binh, người lính hai bên đã liều thân cho cuộc chiến, đã làm tròn nhiệm vụ của mình, giờ đây cùng nhau bắt tay xây dựng lại đất nước.

Nhật Bản may mắn gặp được đại tướng MacArthur, ông đã ra lịnh dành mọi lễ nghi quân cách của hải quân đón Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu và phái đoàn lên thiết giáp hạm USS Missouri ký các văn kiện đầu hàng và trong 6 năm đảm trách Tư lịnh của quân chiếm đóng ông đã giúp nước Nhật từ một nước bại trận trở thành một quốc gia phồn vinh, giàu có.

Sau tháng 4 năm 75 nghiệt ngã, chúng ta đã biết kẻ chiến thắng csVN đối xử với người chiến bại miền Nam ra sao rồi? Họ dùng những thủ đoạn đê hèn bắt tù đày nhiều năm những người lính miền Nam, tịch thu nhà cửa đẩy nạn nhân đi vùng kinh tế mới, làm nghèo dân miền Nam qua các cuộc đổi tiền... Kẻ chiến thắng có giỏi giang gì đâu vì sau 45 năm đất nước không còn chiến tranh và với dân số 100 triệu đa số là người trẻ và năng động Việt Nam lại là nước nghèo so với các nước Đông Nam Á khác!


Nói nhanh về bản thân tôi sau ngày thua cuộc, ở tù 1 năm trong Nam, số thời gian còn lại ở vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam và Nam Định, như bao sĩ quan khác chúng tôi được cộng sản cho mang các nhãn hiệu khác nhau nào là ngụy quân tay sai bán nước có tội với cách mạng, với nhân dân, và có khi thì “được” gọi là tù binh, có khi là tù cải tạo. Khi từ Hải Phòng qua Hà Nội, lên Yên Bái và chờ qua phà Âu Lâu thì có một bác công nhân của phà nói rất là chân tình là một khi qua phà nầy thì “các bác” sẽ không có dịp trở lại đâu! Qua phà theo quốc lộ 13A đi Ba Khe, vượt đèo Lũng Lô, sang Phù Yên đến Sơn La, nơi chúng tôi “gắn bó” trong nhiều năm trong các trại tù khác nhau.

Năm 1979, do người thầy, người đồng chí, người anh cả trong khối cộng sản dạy cho Hà Nội một bài học nên chúng tôi có dịp qua lại phà Âu Lâu nầy lần thứ hai và là lần cuối cùng trước khi chuyển về các trại tù ở Hà Nam Ninh do công an quản lý. Ngoại trừ những anh em sức cùng lực kiệt, chúng tôi những người tù tương đối còn trẻ trong thời điểm đó, dựa vào nhau để sống còn, để cho tinh thần không sa sút.
Thưa Cha Lễ, với trên 600 trang Cha đã viết “Tôi Phải Sống”, con xin phép đổi lại là “Chúng Tôi Phải Sống”, đây là một trận chiến sống còn, ai yếu đuối sẽ ngã gục trước!
... Cha Lễ và chúng tôi đã sống và đã thắng!

No comments:

Post a Comment