Sunday, January 5, 2014

SĨ QUAN HÀNG HẢI THƯƠNG THUYỀN HY SINH TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA



Mỗi năm gần Tết, Quân Chủng Hải Quân của chúng ta trên toàn thế giới đều có buổi lễ vinh danh các chiến hữu Hải Quân đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa.  
Các chiến hữu nầy xứng đáng được gọi là Anh hùng Hải Quân vì các chiến hữu đã xả thân để bảo vệ phần lãnh hải của Tổ Quốc mà tiền nhân đã dày công xây dựng và bảo tồn từ bao thế kỷ. Trên danh sách các Anh Hùng Hải Quân tham dự trận Hoàng Sa mà chúng ta hãnh diện vinh danh hàng năm, tôi nhận thấy có tên anh HUỲNH DUY THẠCH, một cựu sinh viên Trường Việt Nam Hàng Hải, một cựu sĩ quan hàng hải thương thuyền Việt Nam. 
 
Anh HUỲNH DUY THẠCH, 
                                 HQ Đại Úy CK/HHTT,
                                     Cơ Khí Trưởng
           Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo, HQ. 10
Số quân: 63 A 702 639

Anh Huỳnh Duy Thạch, sinh ngày 2 tháng 11 năm1943, quê quán Ðà Lạt, nhà gần khu vực Domaine De Marie, cựu học sinh trường “École D’ Adran” Ðà Lạt. Rời Ðà Lạt để về Saigon, vì trúng tuyển vào trường Việt Nam Hàng Hải thuộc Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.
Tốt nghiệp khóa 13 Sĩ Quan Hàng Hải Thương Thuyền, ngành Cơ Khí, niên khóa 1963-1965. Ra trường anh làm việc trên các thương thuyền Việt Nam trong một thời gian, sau đó, như tất cả các thanh niên khác, với lệnh tổng động viên, ngày 14 tháng 04 năm 1967, anh vào Trường Võ Bị Thủ Ðức, khóa 24, sau khi học xong giai đoạn I ở Quân Trường Thủ Ðức, anh được chuyển sang Quân Chủng Hải Quân để học nốt giai đoạn II.

Trước chuyến công tác định mệnh của HQ. 10, chiến hạm bị hư bơm cao áp của máy chính tả, anh Huỳnh Duy Thạch và ban cơ khí của chiến hạm cùng lo sửa chữa với các bác công nhân của Xưởng Ðộng Cơ của Hải Quân Công Xưởng do Bác Bửu, Trưởng toán Ðại Ðộng Cơ của Hải Quân Công Xưởng trực tiếp phụ trách sửa chữa.
Anh Huỳnh Duy Thạch ít nói, giọng trầm, người ngâm ngâm đen, ăn mặc quân phục lúc nào cũng tươm tất, đối xử tốt với bạn bè, kính trên nhường dưới, anh ưa thích hút thuốc Bastos, và hút quá nhiều, và còn thích uống café đen đậm, anh em khuyên bớt thuốc lá thì lúc nào cũng hứa nhưng chỉ hứa để làm vui lòng anh em mà thôi chớ không bớt chút nào.
Trước chuyến công tác cuối cùng, anh Huỳnh Duy Thạch đã nhận được lịnh thuyên chuyển để về phục vụ cho Hàng Hải Thương Thuyền. HQ. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Hạm Trưởng HQ.10 muốn cho anh được thuyên chuyển trước khi tàu rời Đà Nẳng đi Hoàng Sa, và bàn giao lại cho HQ. Trung Úy CK Phạm Văn Thi, anh có thể chọn trở lại cuộc sống dân sự thoải mái và sung túc, nếu rời chiến hạm HQ.10 ngay lúc đó, nhưng anh đã chọn “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” và ở lại với đồng đội trong lúc dầu sôi lửa bỏng.
Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ. 10 đã cùng với các chiến hạm Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng, HQ. 5, Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt, HQ. 16, Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư, HQ. 4 tham dự trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974 để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa đang bị quân Trung Cộng lấn chiếm.
Lúc 10 giờ 22 phút sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974, trận giao chiến giữa lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Cộng đã nổ ra.
Trong trận chiến, HQ-10 là chiến hạm đã khai hỏa đầu tiên vào chiếc 389 của Trung Cộng làm nó bốc cháy khói mịt mù phải lùi lại phía sau, cùng lúc khẩu 127 ly trên HQ16 trực xạ vào chiếc 396 và chiếc này bị trúng đạn ngay đài chỉ huy.
Vì HQ-10 chỉ còn lại duy nhất một máy khiển dụng, do đó chiếc 389 đã lợi dụng tấn công tới tấp, dẩn đến chiếc HQ10 bị trúng đạn ở Đài chỉ huy và phòng lái. Hầu hết các Sĩ Quan có mặt trên Đài Chỉ Huy và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng.  Hầm máy và hầm đạn cũng bị nổ tung và phát hỏa do trúng đạn của Trung Cộng, Trung úy Huỳnh Duy Thạch cùng các chiến sĩ cơ khí khác bị tử thương.  Máu của anh cùng máu của đồng đội đã đổ để cố bảo vệ từng tấc giang sơn của Tổ Quốc Việt Nam.
Đến 14h52 phút thì HQ-10 chìm hoàn toàn xuống biển gần bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) mang theo hầu hết những quân nhân tử thương trên tàu.
Chính Phủ, Quân Đội và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì xả thân để bảo vệ tổ quốc, trong khi tập đoàn lãnh đạo csVN, bất chấp sự phản đối của đồng bào trong và ngoài nước, đã nhục nhã ký Hiệp định Biên Giới và Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ dâng đất đai và lãnh hải cho Trung Cộng.  Trung Quốc ức hiếp họ đến mấy, họ vẫn cứ nhịn. Trung Quốc chửi: họ nhịn. Trung Quốc đánh: họ nhịn … ”.  Họ không đặt danh dự và quyền lợi tổ quốc lên hàng tối thượng.  


An ủi thay nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược của người dân Hà Nội và Saigon đã xuất hiện với những biểu ngữ ghi ơn 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa  hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974 và 64 chiến sĩ quân đội csVN hy sinh ở Trường Sa năm 1988. Trên tay những người biểu tình có biểu ngữ ghi rõ tên từng chiến sĩ.
Photo Courtesy of hoangsaparacels.blogspot.com

Anh Huỳnh Duy Thạch và 73 đồng đội của anh đã hoàn tất nhiệm vụ của một người lính.  Các anh đã tận trung với nước, đã chiến đấu đến giờ phút cuối của cuộc đời, đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ Tổ Quốc, thân xác các anh đã chìm trong lòng biển nước quê hương. Chúng tôi xin dâng nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân các anh. 

Lê Châu An Thuận
40 năm hải chiến Hoàng Sa
19 tháng Giêng năm 1974

3 comments: