Vì sao tôi không về trên con tầu Việt Nam Thương Tín?
GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc
Ngồi trên tầu mà lo ra, hầu hết muốn trở lại.
Những lời thuật về con tầu VNTT từ đoạn này là giữ đúng ý của Đại Uý Hoá, phi công trực thăng QLVNCH, đã theo con tầu về.
Trái với những chuyến vượt biên chui sau ngày 30-4-1975 thiếu thốn đủ thứ từ thực phẩm, nước uống đến dầu nhớt cho chuyến hải hành, con tầu Việt Nam Thương Tín chúng tôi khi trở về Việt Nam từ đảo Guam quá đầy đủ về mọi phương diện vì đã được chính phủ Hoa Kỳ cho chuyên viên săn sóc từng ly từng tí trước khi nhổ neo.
Ngoài chuyện an toàn về máy móc và thân tầu cũng như trọng tải của tầu, Trại đã sắp xuống tầu cho chúng tôi đủ thực phẩm ăn và nước uống ít nhất là ba tháng, còn dầu nhớt cũng vậy, có thể chạy về Việt Nam rồi chạy trở lại chưa hết dầu. Ban chỉ huy con tầu nếu thấy còn thiếu cái chi, trình lên là Đại tá Trại trưởng thoả mãn hết. Con tầu này vốn là tầu thương mại, chuyên đi biển, khá lớn, được chăm sóc như thế phải nói chuyến hải hành vô cùng an toàn. Điều mọi người âu lo là lo về đến đất liền, không biết chính phủ Hà Nội đối xử ra sao chứ không lo về chuyến hải hành bị đói khát, bị hải tặc, bị trôi vào đảo san hô như sau này rất nhiều tầu bị.
Khi con tầu hú còi khởi hành ra khơi từ bãi biển Guam thì đã có rất nhiều “hành khách” trên tầu muốn trở lại Guam, ít nhất là hai phần ba tầu. Họ thầm thì với nhau và lo âu, không khí trên tầu rợn rợn thế nào ấy chứ không hồ hởi như những ngày trước đó. Hành khách đã nghi ngại ra mặt, họ nghĩ đến tương lai mù mịt đang chờ đợi họ nhưng con tầu vẫn cứ rẽ sóng. Dù có nghĩ gì, bây giờ đã quá trễ. Chắc chắn trong số hành khách trên tầu không ít người hối hận đã làm một chuyến phiêu lưu vô cùng nguy hiểm là đem cả cuộc đời mình và vợ con đánh vào một cây bài phiêu lưu 9 thua chỉ có 1 thắng.
Có thể họ cũng như tôi, đã do dự chần chừ từ nhiều ngày ở trong Trại Asan, chần chừ khi vào căn phòng chỉ hai lối về Việt Nam và ở lại Mỹ, chần chừ khi bước xuống cầu tầu để xuống hẳn tầu và ngồi trên boong tầu rồi mà lòng cứ nóng như lửa đốt, nhưng không hiểu sao, cái lòng thương vợ nhớ con nó cứ thôi thúc phải về cho bằng được rồi ra sao thì ra, dù biết muôn vàn nguy hiểm đang chờ đợi mình vì quả thật, ít ai tin được người Cộng sản mà lại Cộng sản Việt!
Chọn đường về là thái độ ngu si, mê muội, lúc đó chỉ mờ mờ thấy thế nhưng khi về đến Việt Nam mới tỉnh ngộ: mình ngu si quá, nghe lời tuyên truyền phỉnh lừa của những tên gian trá mà sao không suy ra, cứ thế đâm đầu về? Trước khi kể cho các anh nghe, em, Hoá, xin nằm sấp xuống đây để các anh đánh cho đàn em mười roi về cái tội quá ngu si, mê muội đến mất cả cuộc đời và gia đình.
Từ ngày ra khỏi nước, trước, trong hay sau 30-4-1975, ai cũng đã thấy cách đối xử của chính phủ Mỹ với dân tị nạn. Họ không bị đói, không bị khát, không bị lạnh. Họ được săn sóc ưu ái như những công dân của chính nước Mỹ, được vào bệnh viện khi họ và con cái họ say sóng, cảm cúm, ói mửa, vì sóng biển, vì thời tiết thay đổi, vì những buồn phiền xa người thân. Chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ thị Hải quân và các trại Tạm cư dùng mọi phương tiện của Quân đội Hoa Kỳ để phục vụ tối đa dân tị nạn bỏ nước ra đi.
Sau này gặp nhau ở Hoa Kỳ, ở nhiều trại tạm cư, người ta còn biết chẳng những dân miền Nam mà ngay cả những dân miền Bắc (nhiều nhất là Hải Phòng, Đồ Sơn và những nơi sát biển, có cả Hà Nội, Nam Định, Thái bình, Thanh hoá...) trốn chế độ Cộng sản đi tới được các trại tị nạn do Uỷ hội Di cư tị nạn Liên hiệp quốc bảo trợ, tất cả đều được đối xử nhân đạo, tử tế và giúp đỡ hết lòng để đi định cư ở những nước thứ ba.
Chỉ những người vượt biên quá trễ từ 1989 trở về sau, tức 14 năm sau ngày 30-4-75 là Liên hiệp quốc không còn giúp cho đi đệ tam quốc gia nữa vì kinh phí đã hết, các trại tạm cư cần phải đóng cửa bởi sức lực cứu trợ đã cạn kiệt. Vả lại, nhà cầm quyền Việt cộng, vì tự ái, không bằng lòng cho Liên hiệp quốc tiếp tục bảo trợ giúp đỡ người tị nạn, giống như khuyến khích vượt biên vậy. Vì thế mà những chuyến vượt biên từ Việt Nam sang các nước Đông Nam Á Châu láng giềng tắt dần. Nếu chương trình này còn kéo dài thêm ít năm nữa, có lẽ ở hải ngoại phải là 6-7 triệu người VN chứ không phải 3 triệu như hiện nay. Và có lẽ số người chết trôi dạt trên biển Đông hay trong các rừng già Lào, Cam bốt, Thái sẽ lên cả triệu chứ không phải 600,000 đến 800,000 như kết thúc vào giữa thập niên 90.
Trở lại với con tầu định mệnh, từ lúc tầu khởi hành, người Mỹ cho một chiếc máy bay loại thám thính hộ tống con tầu, họ luôn luôn liên lạc với tầu bằng vô tuyến cho đến khi gần vào đến hải phận Việt Nam họ mới thôi. Họ nói với Bộ chỉ huy tầu rằng bất cứ lúc nào tầu muốn trở lại Mỹ cũng được, họ hộ tống trở lại Guam an toàn và chính phủ Mỹ sẽ nhận lại họ như những người tị nạn khác bởi chính phủ Mỹ rất quan tâm đến chuyến về này của 1,600 người gồm cả đàn bà và con nít. Chính phủ Mỹ để người tị nạn tự ý quyết định nhưng thực lo cho những người này vì tình hình trong nước Việt Nam còn sôi động, chưa thích hợp cho những người trở về.
Quay đầu trở lại Guam? Điều này không xẩy ra vì những người điều khiển con tầu VNTT từ đầu đến cuối chỉ một luận điệu là phải đưa con tầu về Việt Nam bằng được (món quà dâng lên chính phủ Việt cộng!). Người lái tầu là Trung tá Hải quân Trần đình Trụ, những kẻ được lọt vào trong Bộ chỉ huy tầu chỉ cần thay nhau theo dõi hải hành Trung tá Trụ lái đi hoặc người phụ tá là xong! Luật biển là luật của kẻ có súng, luật được đưa ra từ họng súng, không kẻ nào muốn sống mà dám cưỡng lại mũi súng!
Trên tầu có một ban hoả thực hùng hậu nên chúng tôi tổ chức nấu nướng và phân phát thực phẩm cũng như nước uống cho mọi người rất chu đáo.
Về gần đến Phi luật Tân thì một cơn bão lớn ập tới. Sóng quá lớn và gió quá to. Tầu lắc lư đánh vật với cơn bão dữ. Hầu như cả tầu đều muốn vào hải cảng Phi luật Tân tránh bão, rất nhiều người đinh ninh sẽ đổ bộ lên Phi rồi xin ở lại luôn, không xuống tầu nữa vì lúc này họ đã hối hận điều họ làm là sai. Nếu sự việc ấy xẩy ra, chính tôi - Đại Uý Hoá - là người xin ở lại Phi rồi sang Mỹ và chẳng riêng tôi, có lẽ là gần 100% người trên tầu bởi lúc đó linh tính bảo chúng tôi, về là đi vào cửa tử.
Nhưng đã lỡ hết, không thể có cánh để bay vào bờ. Đời nào ông lái tầu, Trung tá Trần đình Trụ, được phép vào hải cảng Phi (cho dù ông muốn lắm). Ban chỉ huy tầu trấn an hành khách rằng bà con yên tâm, họ gối sóng cho con tầu đi bình an. Một bà cụ say sóng ói mửa ngã quay trên sàn tầu, lát sau bà tắt thở, có lẽ bà đã bị bệnh, có vài người con, cháu của bà ở đó nhưng Ban chỉ huy tầu ra lệnh thuỷ táng (lấy chăn gói lại vứt bà xuống biển) vì sợ bà có bệnh truyền nhiễm lan ra cả tầu.
Tôi là một phi công trực thăng, khoẻ mạnh, 33 tuổi, tôi không bị say sóng nhưng đầu óc tôi rối xoè và giờ đó tôi cứ quẩn quanh với ý nghĩ tôi đã quá dại đâm đầu về.
Qua mấy ngày đêm, tôi không còn ý thức về thời gian, tầu về đến Vũng tàu, xin vào Vũng tàu nhưng tầu được lệnh đi tiếp ra miền Trung. Tầu ra đến Đại Lãnh giữa Phú Yên và Nha trang thì được lệnh neo lại, nhưng người chưa được lên bộ, chúng tôi chờ đợi hơn 24 tiếng mới có ca-nô ra dẫn tầu vào và mọi người được phép xếp hàng lên bộ.
Khi bước chân lên bờ, chúng tôi trực diện với những gì không phải là điều chúng tôi mơ ước. Chúng tôi bắt đầu sợ vì thái độ dữ dằn và hống hách của cán bộ, công an Cộng sản. Họ nhốt đàn ông riêng một khu, đàn bà và con nít riêng khu khác. Các thứ trang sức như dây chuyền, bông tai, lắc vàng, vòng ngọc thạch, đồng hồ, quý kim, đôla... tất cả không chừa một chút gì, ngay cả ảnh tượng tôn giáo, bắt phải trình ra và họ tịch thu hết. Họ bảo những thứ này có thể cài đặt máy móc báo tin CIA Mỹ nên họ tịch thu để phân tích.
Họ bắt đàn ông, đàn bà chổng đít cho họ khám hậu môn, khám cả chim đàn ông và đàn bà vì sợ CIA cài đặt máy truyền tin báo hiệu. Trong ba ngày, họ bắt mọi người đi cầu vào cái xô, xong đích thân họ đưa đi đổ để coi xem có hạt xoàn, quý kim, nuốt vào giấu trong bụng hoặc máy móc của CIA, đến ngày thứ tư khi đã sạch sẽ hết, mọi người mới được đi cầu tiêu công cộng.
Họ bắt mọi người há miệng, gõ từng cái răng xem có cài đặt máy móc do CIA cài vào không? Kể từ lúc phải nộp tư trang và chổng mông cho họ khám, mặt người nào người ấy xanh lè như tầu lá. Giấc mơ đoàn tụ với vợ con và được đối xử tử tế tan tành như xác pháo ngày Xuân. Tương lai là tù, đói khổ, lao động khổ sai và chết! Ngay trước mắt!
Phía phụ nữ, từ đây họ phân loại và đối xử riêng. Có những người đàn bà 6 tháng được về vì có con nít còn quá nhỏ, nhưng những người đàn bà khác là 1 năm hoặc hơn tuỳ theo cách khép tội của họ.
Tất cả những người đàn ông sau đó đi đoàn tụ thẳng với các trại tù cải tạo. Như tôi, Hoá, thì vào nhà tù Chí Hoà ít tháng rồi mới ra trại Nam Hà ngoài Bắc. (Đại Uý Hoá vì vậy đã gặp anh cựu Dân biểu A. (là bạn của tác giả bài này) vì thế mới có tin tức từ những người đã về trên con tầu VNTT).
Trong thời gian ở tù tại Chí hoà, Đại Uý Hoá (cũng như mọi anh em tù khác) khi được phép viết thư đã báo tin cho vợ con biết mình đã về và đang “học tập cải tạo” ở đó.
Người vợ Đại Uý Hoá một bữa được phép thăm nuôi anh (sau 6 tháng). Chị không mang đồ tiếp tế như những bà vợ khác. Chị được gặp chồng (ở bên trong song sắt) 10 phút, chị nói mấy lời như sau:
“Tôi nghĩ anh ngu hơn con heo. Con heo nó còn khôn hơn anh nhiều. Làm người như anh thật đáng hổ thẹn cho kiếp người. Tôi đến lần này cũng là lần chót để cho anh biết, mẹ con tôi sẽ không bao giờ gặp anh nữa. Anh lo lấy cái thân mà ở trong tù.”
Nói xong chị khóc oà rồi quay người đi ra cổng. Hoá nói với anh em trong trại tù Nam Hà: “Cuộc đời tôi chưa bao giờ đau đến thế!”
Đại Uý Hoá bị 13 năm tù ở ngoài Bắc, không ai thăm nuôi, không một lời an ủi ngoài những anh em đồng tù thông cảm và chia sẻ. Mỗi khi có giờ, anh lại kể cho anh em nghe chuyện con tầu oan nghiệt trở về Việt Nam, con tầu lúc đi từ bến Bạch Đằng ra biển, Việt cộng đã câu bích kích pháo lên boong tầu làm chết nhà báo Chu Tử, chủ nhiệm báo Sống!
Hết hạn tù, Hoá được thả, anh trở về Phan Thiết sống với người chị ruột. Chẳng bao lâu, đến ngày giỗ bố, hôm đó Hoá ra thăm mộ bố. Anh mượn cái xe đạp (Trung cộng chế tạo) của người anh rể. Con đường nhỏ ra nghĩa địa lồi lõm, lởm chởm khó đi, vả lại nhiều năm anh không đi trên đó nên không quen đường. Anh chưa ra tới mộ thì bị sụp xuống một cái hố lớn, cái xe đạp gẫy cổ (guidon) làm anh ngã lộn đi mấy vòng. Anh bị gẫy cổ, có người cũng ra mộ trông thấy tri hô lên, họ khiêng anh về nhà.
Người anh rể đưa anh đi nhà thương chợ Rẫy ở Sàigòn xin chữa trị nhưng họ cũng chẳng chữa được vì thuốc men và chuyên viên thiếu thốn, sau vài tuần, người nhà lại khiêng anh về nhà.
Những anh em đồng tù với anh được tin, họ rủ nhau đi thăm anh ở BV Chợ Rẫy vì vậy mới có tin tức về anh.
Từ bệnh viện về nhà được khoảng 6 tháng thì Hoá qua đời vì cú ngã quá nặng, lại không thuốc men, cơm cháo quá kém. Người vợ và mấy đứa con anh chưa chắc đã biết tin này. Thực là “Hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai”!
Ngoại trừ trẻ nít, tất cả những người về trên con tầu định mệnh này đều lãnh hậu quả bi thương trừ một cụ già người Phước tỉnh đã 70 tuổi. Việt cộng thả cụ về sớm (vài tháng sau) vì khi xưa cụ không đi lính VNCH, không làm gì cả ngoại trừ đánh cá.
Về đến Phước Tỉnh, cụ bí mật tổ chức một chiếc tầu đánh cá lớn đưa hơn trăm người bà con, dòng họ, bạn bè ra đi ngay sau đó vài tháng thoát móng vuốt Cộng sản. Cụ đã thành công vẻ vang và nhiều người tị nạn đã gặp cụ và các người cụ đưa đi trong các trại tị nạn và sau này ở Hoa Kỳ. Cụ là cái gương can đảm và khôn ngoan và cũng vì tuổi già, công an đầu gấu vgcs không ngờ cụ về làm thêm chuyến nữa bởi cụ còn bỏ lại khá đông!
Con nít theo cha mẹ về trên con tầu này vì chúng chưa biết gì và phải theo cha mẹ. Chúng cũng thiệt thòi nhiều. Nếu chúng được cùng cha mẹ ở lại, dám chắc nhiều trẻ nay đã là bác sĩ, kỹ sư hay chuyên viên, có mèng cũng là một người thợ. Điều ấy không phải là mơ hồ!
Kết luận :
Đã 34 năm qua đi trong cuộc đời nhiều khổ luỵ của những người Việt quá bất hạnh như chúng ta. Ba mươi năm chinh chiến, trên 10 triệu đồng bào đã nằm xuống, vĩnh viễn ra đi, trong đó có những người thân của ta, gần hoặc xa hoặc bè bạn; những tin buồn, những cỗ quan tài, những vành khăn tang trên những mái tóc xanh cũng có mà bạc phơ cũng có làm tâm hồn người Việt chúng ta đau khổ như chưa dân tộc nào trên hành tinh này đau khổ bằng.
Những người Việt còn lại ngày nay, tôi nghĩ cũng là những ân điển Thượng đế ban hoặc có những cái may nào đó không thì cũng chết mất xác rồi. Ngay cá nhân tôi, biết bao trường hợp cái chết trong đường tơ kẽ tóc, chỉ nói một vụ: năm 1950, tôi đã nằm giữa ruộng trồng bông (gần chợ Chuông, Đồng quan, Chợ Đại) máy bay Pháp đến bắn cả nửa giờ sau đó bỏ bom rồi đi, những người nằm bên chết, bị thương, máu me lênh láng trong khi tôi sống được là một điều quá may mắn. Một lần nữa ở gần chùa Non nước Ninh Bình khi tôi đang theo đội Văn công đi diễn kịch, ca hát tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Pháp thực dân) .
Ai có thể nghĩ lúc hơn 10 giờ ngày 30-4-1975, Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng sản trên đài phát thanh Sàigòn và khoảng 11 giờ tôi với một người bạn là Nghị Sĩ TTĐ ở Thượng Viện và Minh, con trai tôi ra bến kho 5 Khánh Hội lại gặp được con tầu Việt Tiến ra biển? Tôi nghĩ đây là một ân điển lớn lao của Thượng Đế ban cho gia đình tôi và người bạn vì nếu chúng tôi kẹt lại, chưa chắc giờ này tôi còn ngồi gõ máy trình bày bài này với quý bạn đọc và có thể nhà tôi và các con tôi cũng đã đi vào cửa tử bởi tình trạng nghiệt ngã chưa từng bao giờ thấy tại miền Nam thân yêu của chúng ta. (Bài 1,2,3,4,5 lưu trữ tại vietnamexodus.org trang Văn học).
Ngày nay, đảng Việt cộng rước Tàu - kẻ thù truyền kiếp của dân tộc - vào Tây Nguyên, lấy cớ khai thác bauxite, quặng nhôm, nhưng thực sự là chiếm đóng nước ta và đồng hoá đồng bào ta thành người Tàu. Từ hơn chục năm trước, trên báo chí tôi đã cảnh báo đồng bào về cái nạn Hán hoá. Tôi quả quyết là Hồ chí Minh, từ vụ Trung cộng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974 (hơn 60 chiến sĩ VNCH tử chiến với chúng nhưng hoả lực của chúng quá mạnh, Hải quân QLVNCH một số hi sinh, một số phải rút lui). Hồ tuyên bố thà để Hoàng Sa cho đồng chí Trung cộng hơn là để cho Mỹ-Nguỵ và Công hàm Phạm văn Đồng ký dâng biển, dâng nước từ 1958.
Dù người Việt hải ngoại và nhiều chức sắc trong đảng Việt cộng ở trong nước kêu gọi đảng Việt cộng phải ngưng ngay âm mưu bán nước của tổ tiên cho ngoại bang nhưng Việt cộng, từ Nhà nước cho đến Quốc hội đều tai ngơ mắt điếc, giả ngô giả ngọng, không lý tới lòng dân căm phẫn vì tai hoạ gần kề mà chỉ lo cho những chiếc ghế Thái Thú để vơ vét và cho sự bền vững của đảng, bất kể nước mất nhà tan, dân tộc chui đầu vào vòng nô lệ.
Sự việc dâng hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là từ năm 1958 khi Hồ chí Minh chỉ thị cho Thủ tướng Cộng sản lúc đó là Phạm văn Đồng phải ký Công hàm gửi Quốc vụ viện Chu ân Lai thừa nhận những quần đảo này là thuộc về Trung cộng. Hồ đã nhẫn tâm bán đứng nước Việt cho ngoại bang kể từ khi mới Tổng khởi nghĩa 19-8-1945. Quân đội “Nhân dân anh hùng” của Hồ, Đồng, Duẩn, Chinh,Võ nguyên Giáp, Nguyễn viết Thanh, Chu văn Tấn, Văn tiến Dũng...chỉ là một bọn lính Lê dương VN, lính đánh thuê cho đế quốc Đỏ mà thôi. Không hiểu ngày nay những quân nhân bị Hồ, Giáp lợi dụng này có nhìn ra điều đó không hay vẫn mê ngủ, vẫn nghĩ sự hi sinh của mình là hi sinh cho tổ quốc? Và Tàu vào cai trị họ, họ nghĩ sao? Họ tự xưng là Quân đội anh hùng, đế quốc nào cũng đánh thắng, không lẽ nay họ cúi đầu chịu nhục trước kẻ xâm lăng?
Nam Quan, Bản Giốc đã thuộc về Tàu, hàng chục ngàn km vuông nơi biên giới đã phải dâng cho Tàu khi vẽ lại cột mốc biên giới. Và sắp sửa là cả nước Việt Nam, không hiểu toàn dân đã nhìn ra chưa?
Cả một dân tộc đã bị lừa đau điếng bởi Hồ tặc và bọn Thái Thú cũng y như 1,600 người trong Trại Hồi Hương Asan nghe lời đường mật của cán bộ vgcs ở trong đó hoặc tay sai lấy điểm làm món quà trước khi về, đã dối gạt đồng bào rằng “Hùm không nỡ ăn thịt con” nhưng kết cuộc là hùm ăn cả xương, cả thịt, cả phẩn, cả lông của con không còn tí dấu vết! (dunglac.org trang Văn học NT, click tên tác giả).
Hơn 30 năm đã qua đi từ ngày con tầu bất hạnh trở về từ Guam. Thay mặt cho gia đình tôi và hơn 50 người có quyết định sáng suốt ở lại, tôi xin thắp nén tâm hương kính cẩn nhớ về những người đã quá cố oan khuất, tức tưởi như Đại Uý Hoá, Thiếu Tá Giang, Thiếu tá Hoà (đầu bạc) và rất nhiều người khác tôi không biết. Xin Thượng Đế nhân lành đón linh hồn họ trong cõi ánh sáng ngàn thu.
Các anh em khác về đi tù cải tạo nhưng giữ được sự sống, lại cùng gia đình đi diện HO sang Hoa Kỳ, như Nhạc sĩ Nguyễn Thìn, Đ/U Phái...tôi thành thực chúc mừng các anh chị em và các cháu. Đúng là bài học xương máu!
Riêng cụ (tôi không nhớ tên ở Phước Tỉnh). Xin chúc mừng cụ thành công vẻ vang qua mặt được đám công an đầu gấu cứu được cả trăm người nhờ cụ hi sinh trở lại Phước tỉnh bằng con tầu Việt Nam Thương Tín, con tầu với quá nhiều oan nghiệt.
Quận Cam, CA mùa Xuân Kỷ Sửu (2009)
GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc
Cựu SQ/QLVNCH
Bài viết dưới đây được sưu tầm bởi anh Nguyễn Hữu Liêm. Cảm ơn anh Liêm rất nhiều.
Kỷ Yếu Hàng Hải xin đăng lại bài viết của
GS Xuân Vũ Trần Đình Ngọc, để chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đau
thương đã vừa mới xảy ra thôi (38 năm), và hãy cùng nhau hướng dẫn con cháu
chúng ta là đừng bao giờ tin vào những lời đường mật của người cộng sản, dù họ
là ai! Cộng sản là cộng sản, bản chất của họ là lưu manh lật lọng, đừng tin là
có người cộng sản tốt, không bao giờ có! Luôn luôn nhớ câu nói bất hủ của cựu Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu:"Đừng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những
gì cộng sản làm".
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete