Do một tình cờ tôi được một người bạn thân thời
trung học rủ tôi xuống bến Nhà Rồng, thuộc Cảng Saigon, thăm tàu khách Viet-Nam, hai tàu khách khác của hãng
Messagerie Maritime cũng thường đến cảng Việt Nam là Laos, và Cambodge. Bạn tôi có người anh họ làm việc trên tàu nầy
như một thủy thủ. Anh ấy lớn tuổi hơn chúng
tôi nhiều, nhưng tánh tình vui vẻ, lạc quan yêu đời lắm. Anh ấy cho chúng tôi một khái niệm về con tàu
như chiều dài 162m, chiều ngang 22m, chở khách khoảng 500 người, vận tốc tàu 23
gút (noeuds)… Sau nầy tôi được biết là tàu bị cháy và chìm ở
Singapore, được trục lên và đem về Đài Loan để bán sắt vụn.
Xuống tàu mới thấy được sự sang trọng, đẹp đẻ của nó,
khách du lịch nhiều sắc tộc lên xuống nườm nượp, dưới cảng có các cô gái Việt
Nam mặc áo dài truyền thống, đứng đón chào du khách, phải công nhận vào thời buổi
đó mà ngành du lịch non trẻ của chúng ta, biết tiếp thị và nghênh đón khách rất
là chuyên nghiệp. Bên ngoài cảng thì xe
taxi, xe xích lô các loại chở khách thăm viếng thủ đô Saigon. Khách du lịch có dịp tiêu xài tiền bạc sau những
ngày lênh đênh trên biển. Khi trời đã về
khuya thì mấy anh chàng thủy thủ say lúy túy và ca hát om sòm, dìu nhau ngả
nghiêng ngả ngữa lục tục trở về tàu, thực sự thì tôi cảm thấy hơi chán với cái
cảnh nầy vì giáo dục gia đình chúng tôi không có cái cảnh nhậu nhẹt say sưa, la
hét như vậy, tôi tự nghĩ hay là tại họ là thủy thủ thì như vậy, chớ sĩ quan thì
khác là cái chắc rồi, phải “sang” hơn
và tư cách hơn nhiều.
Vào năm 1963, tôi và người bạn tôi, quyết định nạp
đơn xin thi vào trường Việt Nam Hàng Hải, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, và phải
là ngành boong (pont) mới được, thứ
nhất là vì tôi rất dốt về máy móc lẫn vẽ kỹ thuật, và vì chúng tôi thấy sĩ quan
dưới tàu ăn mặc đồng phục trắng với cấp bậc trên vai màu vàng rất nổi, và “hách” quá, ai nấy nói tiếng Pháp như “gió”, các anh ấy quả là thần tượng của
chúng tôi lúc bấy giờ, theo người anh họ của bạn tôi, làm việc dưới tàu có các
sĩ quan người Việt Nam nữa. Rất tiếc là
anh em chúng tôi không gặp được họ.
Sau những ngày chờ đợi kết quả thi tuyển của trường
Việt Nam Hàng Hải, hai chúng tôi rất thất vọng vì chúng tôi đạt kết quả không
khả quan chút nào, anh bạn tôi thì rớt hoàn toàn, an ủi là anh ấy đã đậu vào
trường Nông Lâm Súc, và sau nầy là một kỹ sư trẻ có nhiều đóng góp cho ngành,
còn tôi thì đang chờ để tình nguyện vào trường Sĩ Quan Đà Lạt. Nhớ lại kết quả thi vào trường của tôi rất… rất
là khiêm nhường, nhà trường tuyển cho khóa 13 hàng hải nầy, 24 sinh viên gồm 16
chính thức và 8 dự khuyết. Tôi đậu chót
trong số 8 sinh viên dự khuyết. Thê thảm thật! Có thể là do tôi làm các bài thi bằng tiếng
Pháp nên mới được vào xếp vào dự khuyết như thế chăng? Dù sao tôi
cũng là dân trường tây chính hiệu mà! Dân
Les Lauriers đây!
Khóa học được giảng dạy vào ngày 22 tháng 7 năm
1963, khoảng 2 tháng sau thì số sinh viên bỏ
cuộc càng lúc càng nhiều vì những anh em học chương trình Việt không chịu nổi
cách giảng dạy của các thầy người Pháp, mặc dù các thầy rất yêu mến sinh viên,
rất muốn giúp đỡ họ, nhưng thời gian hạn hẹp và phải “chạy” theo giáo án giáo trình của nhà trường.
Tôi
cũng vậy, đi từ ngất ngư đến ngất ngư khác, khi học trung học tôi chọn ban A,
ban Sciences Expérimentales vì tôi dỡ
toán, phải chọn ban nầy, lấy cách “gạo
bài” là chính để lấy bằng tú tài 2.
Vào trường hàng hải lại phải học thiên văn một lần nữa như lúc học tú
tài 2, khi ở Les Lauriers tôi học môn nầy với thầy Phạm Văn Sanh thì sau nầy ở
trường hàng hải cũng tiếp tục như vậy, rồi phải học lượng giác cầu (trigonométrie sphérique), rồi các bài
toán hàng hải hóc búa nữa…. Trong lớp chúng tôi lúc nầy có 11 sinh viên chính
thức mà hết 3 bạn là sinh viên khóa trước, rớt không ra trường được phải học lại
khóa chúng tôi, như vậy 16 sinh viên thi đậu vào khóa học nầy đã phải bỏ cuộc
chơi sau vài tháng cố gắng rồi. Cứ nhìn
3 người bạn ở lại lớp của chúng tôi, có lúc tôi cũng lo mình rồi cũng sẽ như vậy
mà thôi vì lúc đó tôi “lu bu” nhiều
thứ quá, học hành không có sự tập trung cần thiết…
Bây giờ phải nói về tôi một chút xíu, mặc dù biết rằng “le moi est haïsable”. Ba má tôi là những người nông dân, gia đình đông con, chỉ đủ xài với sự dè xẻn cần thiết. Tôi may mắn được ông bác ruột đem lên Saigon nuôi ăn học với anh chị tôi, con của hai bác tôi, và lúc nào tôi cũng tưởng rằng đây là gia đình thực của tôi vì cả nhà có ai kỳ thị tôi bao giờ đâu. Ăn uống, học hành ở những trường nổi tiếng của Saigon lúc bấy giờ mà ba má tôi không có tốn kém một đồng. Tất cả đều do hai bác tôi lo cho hết.
Bây giờ phải nói về tôi một chút xíu, mặc dù biết rằng “le moi est haïsable”. Ba má tôi là những người nông dân, gia đình đông con, chỉ đủ xài với sự dè xẻn cần thiết. Tôi may mắn được ông bác ruột đem lên Saigon nuôi ăn học với anh chị tôi, con của hai bác tôi, và lúc nào tôi cũng tưởng rằng đây là gia đình thực của tôi vì cả nhà có ai kỳ thị tôi bao giờ đâu. Ăn uống, học hành ở những trường nổi tiếng của Saigon lúc bấy giờ mà ba má tôi không có tốn kém một đồng. Tất cả đều do hai bác tôi lo cho hết.
Khi
tôi vào học trường hàng hải thì bác tôi về làm Phó Quận Trưởng quận Kiến Văn, tỉnh
Kiến Phong. Căn nhà ở Khánh Hội - Saigon chỉ có anh tôi và
tôi ở mà thôi, anh tôi học y khoa và gần như ăn uống học hành đều ở trong trường,
còn tôi học ở trường hàng hải, trưa thì vào cư xá Phú Thọ, ăn nơi những nhà của
những bác gái, vợ của các công chức, bán cơm cho sinh viên để có thêm thu nhập
cho gia đình. Các con của các bác, trai
có gái có, sau giờ học ở trường ra phụ giúp cha mẹ để bưng cơm, thức ăn ra cho
sinh viên, tôi được biết là có nhiều sinh viên đã “phải lòng” các cô nầy, các gia đình nầy cũng mừng vì các con mình
nghiễm nhiên trở thành “bà kỹ sư” mà
không phải qua trường lớp chuyên môn kỹ thuật nào. Bản thân tôi rất tôn trọng các bác và gia
đình, và trong 2 năm học ở Phú Thọ, chúng tôi xem các bác như người thân. Ăn uống ở đây vừa rẻ vừa ngon miệng, được các
bác coi như con cháu trong nhà, an ủi, động viên khuyến khích những đứa sinh
viên xa nhà và sa cơ… Lớp học chúng tôi
có một anh rất là bay bướm, thỉnh thoảng anh ấy được các cô ca-ve cho một số tiền,
sau khi đã làm cho các cô “hài lòng”. Vào những dịp như vậy thì anh ấy cũng “hào hiệp” với anh em cùng lớp, đải anh
em chúng tôi ăn uống “bồi dưỡng” cho
khỏe để “học hành tấn tới”… Ê Bé,
tao không có nói xấu mầy phải không?
Thực sự thì với anh em cùng khóa, ngoài việc đá banh
chung cho nhà trường, ăn trưa chung, ngủ trưa chung, làm bài chung trong giờ và
ngoài giờ của lớp, tôi không có thời gian để hòa mình cùng anh em nhiều lắm như
đi về Bình Dương để thăm gia đình bạn Nhơn và ăn trái cây thỏa thích, đến nhà Bé
để bàn việc học, tán dóc và… ngắm các cô em gái xinh đẹp của Bé, mà đứa nào cũng
làm như là mình sắp là em rể của Bé đến nơi rồi, để đứa khác đừng nhào vô! Lý do là lúc đó tôi có người yêu, và đang yêu
cô ấy say đắm, thì làm sao có thời giờ đi chơi với các bạn cùng lớp được, tôi sẽ
thành thật khai báo ở đoạn sau…
Một
tình cảm sâu sắc gắn bó chúng tôi, những sinh viên trường Việt Nam Hàng Hải, với
nhau, những kỷ niệm về trường học, tình thầy trò và tình bạn không bao giờ phai
mờ trong ký ức của mỗi người chúng tôi được….
Tình
Thầy Trò …
Các môn học ở trường Việt Nam Hàng Hải có tánh cách
chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Pháp, và cũng có một số môn học giảng bằng
tiếng Việt. Các môn học chính của ngành
pont gồm: Thiên văn học (Cosmographie) do thầy Phạm Văn Sanh giảng dạy, Hàng hải học (Navigation), Toán Hàng Hải (Calcul nautique), Dụng cụ Hàng Hải (Instruments de navigation ) do thầy Jean Ducasse phụ trách, Kỹ thuật tàu (Théorie du navire) do thầy Hồ Đắc Tâm giảng dạy; Vận chuyển - Chuyển hàng – Phòng tai (Manoeuvre – Manutention – Sécurité)
& Quy luật tránh đụng tàu (Règlement
d’abordage) do thầy Nguyễn Phong dạy;
Hải đồ (Cartes marines) do thầy Đặng Văn Châu (năm thứ nhất) và thầy Phùng
Lương Ngọc (năm thứ nhì) dạy, Thủy hiệu
(Hydro-Balisage) Hải hiệu và hải đăng (Feuxet Phares) do thầy Đức dạy;
Luật hàng hải (Droits maritimes) - Législation
et Economie maritime
do thầy Luật sư Bùi Công Lập dạy; Thủy thủ công (Matelotage) do thầy Thạnh dạy trên tàu TCS 131 của Thương cảng
Saigon; Cơ học áp dụng (Mécanique appliqué), Điện tử (Électromagnétisme) và điện (Electricité)
do thầy Nguyễn
Văn Quyền dạy; Toán do 2 thầy Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Binh dạy; Pháp Văn được
dạy bởi 2 thầy Nguyễn Văn Gần, Nguyễn Văn Lúa; Anh văn do thầy Nguyễn Văn Sang dạy (năm thứ nhất) và thầy HQ Thiếu tá Nguyễn Vân (năm thứ hai); Thầy
Hồ ĐắcTâm dạy Théorie du navire, Calcul
de stabilité ; Đại
úy Bác Sĩ Phạm Vận dạy môn Vệ sinh hàng hải (Hygiène);
quý Thầy Nguyễn Phú Hậu và Nguyễn Kim
Môn dạy Khí tượng (Météo); Trung úy Trần Văn Oánh dạy Machine Marine; Thầy Chung Quang Thắng dạy
môn đèn hiệu Signaux)…
Các thầy Giám Đốc phụ trách điều hành nhà trường
trong thời gian tôi học ở Trường Việt Nam Hàng Hải và sau nầy là
quý thầy: Đặng Văn Châu, Viễn
Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Hoa Tiêu Sông Saigon; Phùng Lương Ngọc, Viễn Dương Thuyền Trưởng Pháp, cựu Thuyền
Trưởng tàu Việt Nam Thương Tín I, nguyên Giám Đốc Kỹ thuật Công ty Việt Nam
Hàng Hải; Ông Nguyễn Tấn Quyền, Kỷ Sư Cao Đẳng Đại Học Grenoble, xử lý thường
vụ Giám Đốc, - Ông Đỗ Ngọc Oánh, Kỷ
sư tốt nghiệp tại École des Ingénieurs Mécaniciens Pháp, Kỷ sư Hải Quân Thiếu
Tá, xử lý thường vụ Giám Đốc; - Ông Phạm văn Sanh, tốt nghiệp trường Hàng Hải Pháp (École Navale), Hải Quân Trung Tá, vị
Giám Đốc sau cùng của trường.
Trong các thầy thì chúng tôi đều kính trọng như
nhau, nhưng có thầy Jean Ducasse thì tuy là người Pháp nhưng thầy yêu mến Việt
Nam, đọc sách báo Việt Nam, có vợ là người Việt Nam, sau nầy cô bệnh và thầy là
người nấu ăn, chăm sóc trực tiếp cho cô…
Tôi nhớ là trong khoảng thời gian học năm thứ II tại trường thì nổ ra cuộc
biểu tình chống chính phủ của sinh viên các trường, cả Trung tâm Kỹ thuật Phú
Thọ phải đóng cửa. Thầy tôn trọng quyết định
của mỗi sinh viên, nhưng e rằng việc nầy nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc học
của chúng tôi và thầy có mở một lớp dạy kèm tại nhà riêng của thầy để chúng tôi
ôn lại các bài vở để không bị ảnh hưởng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, vì khi
đó sẽ có các giám khảo từ các hãng tàu, các thuyền trưởng khác ngoài các thầy
giảng dạy hiện tại đến chấm và hỏi thi.
Thưa
quý thầy, chúng em không bao giờ quên đạo lý của tổ tiên: "Công cha -
nghĩa mẹ - ơn thầy" hay "Không thầy đố mày làm nên", "Nhất
tự vi sư bán tự vi sư". Chúng em
xin cảm ơn quý thầy đã trang bị cho chúng em những kiến thức cần thiết để sau nầy
chúng em thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình để trở thành những công
dân có ích cho xã hội, Chúng em đã cùng các sinh viên của trường và những người
đi biển khác góp công mang lại sự thịnh vượng của nền kinh tế miền Nam Việt
Nam, và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa đã cùng với
chúng
em tung bay khắp các đại dương và các hải cảng trên thế giới.
Khóa 13 Pont trường Việt Nam Hàng Hải được bế giảng
vào ngày 07 tháng 5 năm 1965 tại rạp chiếu bóng Đại Nam- Saigon, bạn Nguyễn Ngọc
Nhơn lãnh bằng Thủ khoa tại đây và Nhơn nhận được việc (embarqué)
ngày 3 tháng 6 năm 1965 trên tàu M/S Thống Nhứt.
Đầu vô như thế nào thì đầu ra cũng như thế ấy, tôi ra trường với bằng Viễn duyên
Thuyền trưởng, đậu áp chót; bằng Cận duyên Thuyền trưởng, đậu hạng chót.
Học trong trường có hai năm, nhưng sau khi ra trường
chúng tôi phải đi thực tập trên các thương thuyền của Việt Nam, của Pháp hoặc các
tàu mang quốc kỳ Panama…, sau đó lên được chức danh sĩ quan các loại tùy theo hãng
và tùy theo loại tàu, cấp bực sau cùng có thể leo lên được là thuyền phó. Chúng tôi phải có thời gian thực sự đi biển là
năm năm; sau đó về trường học và thi bằng thuyền trưởng thực hành, nếu đậu được
và nếu nhu cầu của hãng tàu cần thì chúng tôi mới được cất nhắc lên làm thuyền
trưởng. Cả một quá trình làm việc cật lực,
và đó cũng là một hình thức tuyển chọn thuyền trưởng khắt khe của thời đó!
Tóm tắt những
việc làm của tôi sau khi ra trường cho đến ngày nghỉ hưu trí: - Học viên boong trên M/T Cyprea - Tổng động
viên vào quân đội, khóa 21 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức - Phục vụ trên các chiến hạm: - HQ. 470 (Sinh viên Thủ Đức, giai đoạn 2); - HQ. 11 - HQ. 230 (theo
tàu để sửa chửa ở Guam) - BTL/HQ Khối Quân Huấn với chức danh: Sĩ quan liên lạc Hải Quân tại trường Sinh ngữ
Quân đội, và Tiểu đoàn trưởng Khóa sinh Hải quân - HQ. 06, Hạm phó Hộ Tống hạm Vân Đồn - HQ.
16, Trưởng khối Hành chánh Tiếp Liệu (lảnh
tàu tại Subic Bay, Philippines) - HQ. 603, Hạm trưởng Tuần Duyên hạm Kiến Vàng -
HQ. 472, Hạm trưởng Hỏa Vận hạm - Đi tù tại các trại tù miền Bắc Việt Nam - Giáo viên trường Công nhân kỹ thuật đường
biển 2 - Định cư tại Hoa Kỳ theo diện
H.O. năm 1990 - Công nhân tại các hảng sản xuất dụng cụ máy bay, Hitchcock
Industries, Inc.; điện tử, Seagate Technology - Quản đốc (manager) chương trình tìm việc giúp cho người tỵ nạn và di dân thuộc
các sắc tộc tại tiểu bang Minnesota - Hưu trí đầu năm 2009 và di chuyển về sống tuổi
già tại Houston, Texas.
Những
mối tình và… một mối vợ,
Tuy là một thanh niên hơi “xí trai”, nhưng cũng như những thanh niên thanh nữ khác, khi còn học
trung học thì tôi cũng có quen một số bạn học nữ cùng lớp, hoặc là các cô ấy “phải lòng” tôi hoặc là tôi “phải lòng” các cô ấy… Khi đi dạy học, kèm
học sinh tại tư gia, hoặc tại trường học, thì học sinh nữ cũng “đánh đèn” với tôi, như dạy tại nhà thì có
em, tuy ngồi đâu mặt với tôi, cùng một bàn hình vuông, nhưng “cô nàng” nầy dám lấy chân khều lên đùi tôi,
tôi không phản ứng “phủ phàng” nhưng
sau cùng thấy không thể thay đổi tình thế được thì tôi đành nói với cha mẹ của
em là lúc nầy tôi quá bận với bài vở chuẩn bị thi ra trường để “rút lui có trật tự”!.
Sau
nầy khi gặp lại, thì cô em gái nầy đã là sinh viên y khoa giống như anh của cô ấy,
lại xinh đẹp, gặp tôi cô em rất vui vẻ và chúng tôi coi như anh em… khác cha khác mẹ. Thành thật mà nói là tôi sống có nguyên tắc của
tôi, không bao giờ buông thả theo bản năng của mình, biết kềm chế và cưỡng lại
sự ham muốn của bản thân.
Ở
trường La San Taberd, tôi dạy môn toán và pháp văn lớp đệ ngũ, một vài em nữ học
sinh kèm thư “tống tình” vào quyển
bài tập, để khi chấm bài tôi sẽ đọc các lá thư đó… Tôi biết được em nào như vậy
thì tôi để ý hơn và không làm điều gì để các em “hiểu lầm”, sau nầy tôi cũng có dịp gặp lại một
trong các cô nàng nầy, nay là công chức
chính phủ, cùng nhau cười trừ với những “sự
cố” của quá khứ.
Sâu đậm nhất trong số nầy là người tình đầu đời của tôi, cô ấy là em gái của người bạn tôi, nhỏ hơn tôi hơn ba tuổi, cô ta vui vẻ nhanh nhẹn, và rất thích chơi thể thao, nhất là bơi lội, nấu ăn thuộc loại khá, và rất ham nấu ăn để mời cả nhà và tôi thưởng thức. Tối hôm nào, tôi và anh của cô ấy đi dạy học, thì cô ta đến trường và khóa xe đạp của cô ta vào xe Mobylette của tôi, để tôi biết là cô ta đang lảng vảng trong trường và sẽ ra về cùng một lượt với tôi, có khi chúng tôi cả ba người (hai anh em cô ấy và tôi) ghé tiệm ăn chè, ăn kem, hoặc tôi và cô ấy vào công viên ngồi chơi... Cả nhà của cô ấy đều biết tôi và đồng tình để chúng tôi được quan hệ tình cảm, tôi cũng thường đến nhà cô ấy chơi. Quen nhau cả năm trời thì cô ấy có hẹn với tôi là đến nhà để gặp nhau vào trưa thứ bảy, tôi nghĩ ngày đó là ngày nghỉ làm việc và nghỉ học của mọi người, có lẻ cả nhà tổ chức ăn uống chăng, nên tôi tỉnh bơ đến chơi. Khi đến nhà thì tôi mới biết là cả nhà đi Vũng Tàu nghỉ mát, chỉ có cô ấy ở nhà một mình, nại cớ là nhức đầu không đi theo gia đình. Việc gì phải đến đã đến, và cứ thế mà tiếp tục. Cô ấy có đưa ra điều kiện là sau nầy nếu tôi có thích người nào khác thì cứ việc tiến tới, và nếu cô ấy có người bạn trai nào mà cô ấy yêu thì tôi phải giang ra, và vẫn giữ tình bạn như xưa nay. Tôi vui vẻ chấp nhận “yêu sách” nầy. Tôi không có gì để “chê” cô ấy ngoại trừ tóc hớt quá ngắn giống như con trai mà tôi lại thích các cô để tóc dài, tôi có đề cập chuyện nầy với cô ấy. Cô ta đưa lý do là đang thời kỳ học bơi lội, nếu để tóc dài thì vướng víu … Lý do chánh đáng: Chấp thuận! Không chấp thuận cũng không được.
Thì đùng một cái, tôi bị một “cú sét” ngang tai. Trong một
dịp tình cờ tôi gặp một cô gái như tôi hằng mơ thích, một cô gái có
thân hình cân đối, cao ráo, nước da trắng, đôi mắt đẹp và quan trọng nhất là có
một mái
tóc dài. Tôi đã yêu say đắm cô nàng nầy,
tình địch thì nhiều quá, làm sao dứt
“các đuôi” nầy đây!!! Tôi “theo
dõi” nhiều ngày, nhiều tháng thì mới biết cô nàng nầy chỉ lịch sự với những
người “chạy theo” mà thôi, và không có
gì phải ồn ào cả. Tôi bắt đầu tấn công,
và kết quả khả quan dần dần. Sau cùng thì
tôi chắc chắn là tôi đã chinh phục được trái tim của cô nàng. Các bạn thử tưởng
tượng, sáng tôi từ Khánh Hội vào Phú Thọ để đi học bằng xe Mobylette, ra khỏi trường hàng hải thì đi dạy kèm ở hai hoặc ba nơi
khác nhau ở gần trung tâm chợ Saigon, ăn cơm bụi đời ở các quán cơm bình dân dành
cho nghệ sĩ & sinh viên và những người khác. Về nhà, bỏ các sách vở dày cợm mà nhà trường
cấp cho sinh viên, tắm rửa và ăn mặc gòn gàng để từ Khánh Hội lại vào… cư xá Nguyễn Tri Phương, gần sân vận động Cộng Hòa, ở
chơi với bạn gái gần mười giờ đêm thì chạy trở về Khánh Hội, về nhà thì mệt nhoài
với một ngày “bận rộn!”. Mở tập và sách vở ra để làm các bài toán hàng
hải, mà hình ảnh các vì sao trên trời đâu không thấy, mà hình của em thì cứ chập chờn…
Có khi làm kịp các bài tập, có khi không, sáng sớm vào trường làm tiếp hoặc “cọp dê” bài của các bạn học cùng lớp cho lẹ. Xấu hổ thật! Đó cũng là một trong những lý do tôi học quá tệ ở trường hàng hải!
Có khi làm kịp các bài tập, có khi không, sáng sớm vào trường làm tiếp hoặc “cọp dê” bài của các bạn học cùng lớp cho lẹ. Xấu hổ thật! Đó cũng là một trong những lý do tôi học quá tệ ở trường hàng hải!
Sau nầy khi đi lính, tôi không bao giờ “lăn nhăng” đùa giỡn với những phụ nữ khác. Lao vào vòng lẩn quẩn nầy cũng không có gì hay ho đâu, chỉ tạo thêm nghiệp mà thôi! Ai cũng vậy, nam hay nữ đều mong muốn có một mái ấm gia đình, đùa giỡn dối trá với người khác, nhất là với phụ nữ để thỏa mãn tình dục mà đánh mất hạnh phúc gia đình, phải chăng đó là một điều xứng đáng?
Tôi rất hạnh phúc với vợ tôi, các con và các cháu của tôi. Rồi vận nước nỗi trôi, tôi và vợ tôi đã ở tù cộng sản gần 10 năm trời, chúng tôi không hận thù những kẻ đã từng hành hạ mình, chỉ thương các con chúng tôi bị thiệt thòi vì khi sống với mẹ thì thiếu cha, và khi sống với cha thì thiếu tình yêu thương của mẹ…
Tay Trắng Hoàn Trắng Tay,
Sau khi đã tốt nghiệp tú tài 2, và để tự lập, anh tôi và tôi bắt đầu sống tự túc, nghề nghiệp mà sinh viên lúc đó dễ có là làm thầy giáo kèm học sinh tại tư gia. Thông thường cha mẹ các em vì bận rộn với công việc thương mại của mình hoặc vì quên hết chương trình trung học nên, qua những lời giới thiệu của những người quen, họ nhờ các sinh viên đang học tại các trường đại học đến dạy con em mình, thông thường là toán lý hóa, sinh ngữ. Đối với chúng tôi thì đó là một nghề rất dễ chịu vì chúng tôi không cần soạn bài, khi các em đưa bài vở cần hỏi thì chúng tôi giải quyết ngay nhanh gọn, nếu may mắn gặp các em thông minh một chút thì thầy trò còn có thời giờ nói dóc chơi nữa. Nếu kết quả học tập trong tháng của các em tốt hơn các tháng trước thì ngoài tiền dạy học như đã thỏa thuận, tôi còn nhận thêm tiền thưởng, thông thường cha mẹ học sinh trao tiền dạy học trong một bao thư, rất lịch sự. Nhờ công việc nầy mà tôi có đủ tiền trang trải, trong thời gian đi học ở Trung tâm Kỹ Thuật Phú Thọ.
Khi ra trường Việt Nam Hàng Hải, vì kết quả tốt nghiệp quá khiêm nhường, nên tôi và vài người bạn chưa xuống tàu ngay được để thỏa mãn mộng hải hồ, tôi lao vào việc dạy học tại tư gia để kiếm một số tiền cần thiết để giải quyết nhu cầu hiện tại, và… đi du lịch. Bất ngờ, vào đầu tháng 6 năm 1965, một người quen của tôi làm việc tại Bộ Công Chánh giới thiệu tôi với anh Ngô Txx, anh ấy có một số tàu gổ và đang dự định mua thêm tàu sắt để khai thác chuyên chở cho tuyến đường Ba Ngòi- Huế.
Anh Txx cần một người có bằng cấp hàng hải để cùng giúp anh ấy điều hành đội tàu hiện có. Là một thanh niên năng động, và mặc dù là người giàu có, nhưng anh ấy rất có lòng với những người giúp việc cho mình. Vào thời điểm đó lương sĩ quan thực tập (Élève) khoảng VNĐ 1.500, Sĩ quan (Dịch) VNĐ 8 đến 9 ngàn tùy theo thâm niên, Thuyền phó (Gòn) VNĐ 14, 15 ngàn, Thuyền trưởng (Quan tàu) VNĐ 19, 20 ngàn. Để dễ dàng so sánh đồng tiền lúc đó, giá trị 1 lượng vàng có VNĐ 5.000, sau đó lên từ từ đến VNĐ 10.000. Tôi lãnh lương tương đối khá so với anh em đi tàu trong nước.
Vừa ở Huế ra trở lại cảng Đà Nẳng, anh Lộc và một số bạn học cùng lớp cho tôi biết là anh Hà Phú Cường được hãng Shell nhận nhưng anh ấy không muốn bỏ tàu mà anh ấy đang làm việc, nên thầy Jean Ducasse có nhắn anh em là nếu có gặp tôi thì nên khuyên tôi về để xuống tàu M/T Cypréa. Sau vài “cú” điện thoại để xác nhận sự việc, tôi và anh Ngô Txx ngồi lại nói chuyện riêng, hai anh em chúng tôi bịn rịn chia tay nhau, và chúng tôi vẫn giữ mối tình cảm anh em cho đến sau nầy. Lên máy bay dân sự về Saigon để xuống tàu M/T Cypréa của hãng Shell nhận việc vào ngày 28 tháng 7 năm 1965, gặp lại anh Lâm Chí Hiếu khóa 12 đang làm “dịch” (second lieutenant) dưới tàu, Ông Pierre Marie Léon Dany là Thuyền trưởng, Ông Chế Công Tá là Thuyền phó… (Sau nầy khi làm Hạm phó HQ 06, hộ tống thương thuyền lên xuống Phnom Penh, tôi có gặp lại Ông Bà Dany, khi đó ông làm thuyền trưởng cho một thương thuyền Panama, ông ôm tôi mà rướm lệ, làm tôi không cầm nổi xúc động khi gặp lại thuyền trưởng một thời của tôi). Tôi làm việc trên tàu nầy không lâu lắm vì lịnh gọi tổng động viên vào khóa 21 SQTB Thủ Đức. Buồn lòng hết sức nhưng trai thời loạn thì phải mặc quân phục như mọi thanh niên khác mà thôi. Khóc lóc thở than chỉ là yếu hèn!
Sau 30 tháng 4 năm 1975, gia đình chúng tôi bị mất sạch những gì đã dành dụm trong một thời gian dài làm việc và tiết kiệm! Lập lại cuộc sống kinh tế và tinh thần trên nước người từ con số âm to tướng! Cần cù và chăm chỉ làm việc, chúng tôi đã thực hiện được “giấc mơ Mỹ Quốc”. Xin đội ơn “Ơn Trên Trời Phật” đã phù hộ cho gia đình chúng tôi và những đồng hương của tôi.
Gần 10 năm lính, 6 năm tù, 15 năm sống dưới chế độ cộng sản và 23 năm ly hương, nhìn lại quê nhà, tôi có thể nói, đáng lẻ Miền Nam đã được hưởng hạnh phúc như Tây Đức, Nam Hàn... nhưng ông Hồ Chí Minh cùng đảng Cộng sản Việt Nam đã cúi đầu vâng theo mệnh lệnh của Cộng sản Nga-Tàu đem quân tiến chiếm miền Nam Việt Nam để làm bàn đạp nhuộm đỏ bán đảo Đông Dương. Chính Lê Duẩn, nguyên Tổng bí thư đảng Cộng sản thừa nhận rằng Việt Nam hy sinh gần 4 triệu sinh mạng của đồng bào [một cách đau thương và vô nghĩa] để "đánh Mỹ là đánh cho Liên xô, đánh cho Trung Quốc".
Tương lai đất nước hiện nay vẫn mờ mịt, kinh tế ngày càng kiệt quệ, tham nhũng vơ vét hết tài sản quốc gia, thất nghiệp trầm trọng và sự bành trướng của Trung Quốc đang là mối đe dọa cho sự tồn vong của đất nước. Chúng ta có thể kết luận: Chủ nghĩa cộng sản là thảm hoạ lớn nhất của nhân loại và của quê hương yêu dấu chúng ta.
Lê Châu An Thuận
Lê Châu An Thuận
No comments:
Post a Comment