Saturday, January 19, 2013

TƯỞNG NIỆM 74 CHIẾN SĨ HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐÃ ANH DŨNG HY SINH BẢO VỆ HOÀNG SA

TƯỞNG NIỆM 74 CHIẾN SĨ HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐÃ ANH DŨNG HY SINH BẢO VỆ HOÀNG SA

 

Lê Châu An Thuận
Nhớ về Hoàng Sa                                                        
 19 tháng Giêng năm 2013
Viết theo nhiều tài liệu tham khảo khác nhau



Phản đối Trung Cộng xâm phạm biển đảo của Việt Nam
Vinh danh chiến sĩ hải quân hai miền Nam Bắc đã bỏ mình trong trận
hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 tại Hà Nội


39 năm trước, trận hải chiến Hoàng Sa đã diễn ra ác liệt. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, để ngăn chận Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, một quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua, chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã khai chiến với chiến hạm Trung Cộng. Trận hải chiến lịch sử nầy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên.

Phía Việt Nam có Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), một Đại đội hải kích thuộc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, một số biệt hải (Biệt kích hải quân) và một trung đội Địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa tham dự trận đánh.




Tổn thất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, HQ-10 có 7 Sĩ Quan gồm Hạm trưởng, Hạm phó, Cơ khí trưởng, 4 sĩ quan cấp Trung úy khác và 55 Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ, tổng cộng 62 chiến sĩ hy sinh; HQ-4 có 1 Sĩ Quan, 2 Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ; HQ-5 có 1 Sĩ quan, 2 Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ; HQ-16 có 2 Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ; Lực Lượng Người Nhái có 1 Sĩ Quan và 3 Hạ Sĩ Quan và Thủy thủ. Tổng kết tổn thất của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa: 74 chiến sĩ hy sinh, 28 quân nhân bị thương, 48 quân nhân bị Trung cộng bắt giữ, để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong trận chiến với quân Trung Cộng ngày 19 tháng 1 năm 1974.


    
Về phía Trung-quốc: Lực lượng tham chiến 14 chiến hạm gồm: Hộ tống hạm Kronstadt, 271, hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Uy, tử thương; Hộ tống hạm Kronstadt, ký số 274, hạm trưởng là Đại-tá Quan Đức, tử thương. Đây là soái hạm của chiến dịch. Tư lệnh mặt trận là Đô-đốc Phương Quang Kinh, Tư-lệnh phó hạm đội Nam-hải của Trung-quốc với bộ tham mưu đi trên chiến hạm này. Khoảng giữa trận chiến, ông cùng bộ tham mưu tử thương; Trục lôi hạm, ký số 389, hạm trưởng là Trung-tá Triệu Quát, tử thương; Trục lôi hạm, ký số 396, hạm trưởng là Đại-tá Diệp Mạnh Hải, tử thương; Phi tiễn đỉnh Komar 133, trang bị hỏa tiễn địa-địa Styx hạm trưởng là Thiếu-tá Tôn Quân Anh; Phi tiễn đỉnh Komar 137, trang bị hỏa tiễn đĩa địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Mạc Quang Đại; Phi tiễn đỉnh Komar 139, trang bị hỏa tiễn địa địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Tạ Quỳ; Phi tiễn đỉnh Komar 145, trang bị hỏa tiễn địa-địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Ngụy Như; 6 Hải vận hạm chở quân. Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 10 Thủy quân lục chiến, và hai đội trinh sát.

Tổn thất về phía Trung-quốc, Tư lệnh mặt trận, bộ tham mưu (1 Đô-đốc, 4 Đại-tá, 6 Trung-tá, 2 Thiếu-tá, và 7 sĩ quan cấp úy) và 4 hạm trưởng tử thương, Hộ tống hạm 274 bị chìm; Hộ tống hạm 271, hai trục lôi hạm 389-396 bị hư hại nặng phải ủi bãi, sau đó phải phá hủy; 4 ngư thuyền chở quân bị chìm. Đoạn nầy tham khảo một phần cuộc phỏng vấn Giáo Sư Trần Đại Sỹ trước một cử toạ chọn lọc có kiến thức sâu rộng.

Theo tài liệu của Trung Cộng thì:”Trong trận chiến bảo vệ quần đảo Tây Sa, quân dân Trung Quốc cũng đã phải có những sự trả giá nhất định. 18 sĩ quan binh lính là Phùng Tùng Bá, Chu Thích Thông, Tăng Đoan Dương, Vương Thành Phương, Khương Quảng Hữu, Vương Tái Hùng, Lâm Hán Siêu, Văn Kim Vân, Hoàng Hữu Xuân, Lý Khai Chi, Quách Thuận Phúc, Quách Ngọc Đông, Dương Tùng Lâm, La Hoa Thắng, Chu Hữu Phương, Tăng Minh Quý, Hà Đức Kim, Thạch Tạo… đã anh dũng hy sinh, 67 người tham chiến bị thương, tàu rà phá bom mìn 389 bị trọng thương nằm trên bãi cạn, tàu chống ngầm 274 bị hỏng nặng, tàu rà phá bom mìn 396 và tàu chống ngầm 271 bị hỏng nhẹ”.

Hai ngày sau trận hải chiến, tàu chở dầu Hòa Lan "Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Các chiến sĩ Hải Quân khác đào thoát từ Hoàng Sa lần lượt được các tuần duyên đĩnh của Hải Quân hoặc được ngư dân Việt Nam cứu vớt như mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân vớt được một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên Quang Hòa, đã dùng bè vượt thoát đảo sau trận hải chiến.



Tất cả các chiến-sĩ thoát-hiểm được đưa về diều-trị tại các Tổng-y-viện Duy-Tân (Ðà-nẵng) hay Cộng-Hòa, và được Thủ-tướng chính-phủ, các vị Tư-lệnh Quân-đoàn, và các vị Ðô-đốc Hải-quân đến thăm hỏi và úy-lạo.

Vì tương quan lực lượng bất lợi, nên cuối cùng đã không bảo vệ được quần đảo này. và vì phải bảo tồn lực lượng để tiếp tục chống cuộc xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt, Hải Quân và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa thể huy động lực lượng để chiếm lại Hoàng Sa vào lúc đó. Sau trận chiến, Trung Cộng đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cho đến ngày hôm nay.

Hoàng Sa ghi dấu trong ký ức bao thế hệ người Việt là nơi thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt. Người dân Việt đã kiên cường vượt lên đầu sóng ngọn gió để mưu sinh, và khi cần đã quyết hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vinh danh những chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 là một chứng minh cho thấy rằng Tổ quốc là của mọi người dân nước Việt, và nó có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Hàng năm tại các quốc gia mà người Việt Nam tỵ nạn sinh sống đều có tổ chức lễ tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến với Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa hồi Tháng Giêng năm 1974. Đặc biệt trong năm 2011, ngày 24 và ngày 27/7/2011, một cuộc biểu tình tại Hà Nội và Saigon đã tôn vinh những chiến sĩ đã ngã xuống tại Hoàng Sa và những chiến sĩ đã ngã xuống Trường Sa 14 năm sau đó để bảo vệ tổ quốc trước sự xâm lăng của Trung Cộng.


               
Không thể lấy thắng thua để bàn luận về người anh hùng, và dù không bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa, song các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chứng minh lòng yêu nước dám hy sinh, biết là mình sẽ đi vào cõi chết nhưng không hề né tránh sứ mạng bảo vệ tổ quốc thực xứng đáng luôn được tôn vinh là những anh hùng dân tộc. 
______________________________________________________________________________ 
 
ANH HÙNG TỬ KHÍ HÙNG BẤT TỬ


Danh sách các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh để
bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trong trận chiến với quân
Trung Quốc ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10

1/ HQ Trung tá Ngụy Văn Thà, HT/ HQ 10
2/ HQ Thiếu-tá Nguyễn Thành Trí, HP/ HQ 10
3/ HQ Đại-úy Vũ Văn Bang
4/ HQ Đại-úy HH/TT Huỳnh Duy Thạch
5/ HQ Trung-úy CK Vũ Ðình Huân
6/ HQ Tr/úy Phạm Văn Ðồng
7/ HQ Tr/úy Ngô Chí Thành
8/ Th/sĩ nhất TP Châu quản nội trưởng
9/ Th/sĩ nhất CK Phan Tấn Liêng
10/ Th/sĩ nhất ÐK Võ Thế Kiệt
11/ Th/sĩ vận-chuyển Hoàng Ngọc Lễ (nhiều tuổi nhất)
12/ Tr/sĩ nhất VT Phan Tiến Chung
13/ Tr/sĩ QK Nguyễn Văn Tuân
14/ Tr/sĩ GL Vương Thương
15/ Tr/sĩ TP Nam
16/ Tr/sĩ TP Ðức
17/ Tr/sĩ TP Huỳnh Kim Sang
18/ Tr/sĩ TX Lê Anh Dũng
19/ Tr/sĩ ÐK Lai Viết Luận
20/ Tr/sĩ Vận chuyển Ngô Tấn Sơn
21/ Tr/sĩ GL Ngô Văn Ơn
22/ Tr/sĩ TP Nguyễn Thành Trọng
23/ Tr/sĩ TP Nguyễn Vĩnh Xuân
24/ Tr/sĩ CK Phạm Văn Quý
25/ Tr/sĩ CK Nguyễn Tấn Sĩ
26/ Tr/sĩ CK Trần Văn Ba
27/ Tr/sĩ ÐT Nguyễn Quang Xuân
28/ Tr/sĩ BT Trần Văn Ðàm
29/ HS1/Vận-chuyển Lê Văn Tây
30/ HS1/vận-chuyển Lương Thanh Thu
31/ HS1/TP Nguyễn Quang Mến
32/ HS1/vận chuyển Ngô Sáu
33/ HS1/CK Ðinh Hoàng Mai
34/ HS1/CK Trần Văn Mộng
35/ HS1/DV Trần Văn Ðịnh
36/ HS vận-chuyển Trương Hồng Ðào
37/ HS vận-chuyển Huỳnh Công Trứ
38/ HS/GL Nguyễn Xuân Cường
39/ HS/GL Nguyễn Văn Hoàng (nhỏ tuổi nhất)
40/ HS/TP Phan Văn Hùng
41/ HS/TP Nguyễn Văn Thân
42/ TT/DT Thanh
43/ TT/TP Thi Văn Sinh
44/ Th/sĩ DT Thọ
45/ HS/TP Nguyễn Văn Lợi
46/ HS/CK Trần Văn Bảy
Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4

47/ HQ Trung-úy Nguyễn Phúc Xá
48/ HS1 vận chuyển Nguyễn Thành Danh
49/ Biệt hài Nguyễn Văn Vượng

Tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5

50/ HQ Trung-úy Nguyễn Văn Ðồng
51/ Th/sĩ ÐT Nguyễn Phú Hào
52/ TS1/TP Nguyễn Ðình Quang

Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16

53/ TS/ÐK Xuân
54/ HS/QK Nguyễn Văn Duyên

Lực Lượng Người Nhái

55/ Trung-úy NN Lê Văn Ðơn
56/ HS/NN Ðỗ Văn Long
57/ TS/NN Ðinh Hữu Từ
58/ TT/NN Nguyễn Văn Tiến

Hộ tống hạm Nhựt Tảo HQ 10

59/ HS/CK Nguyễn Văn Ðông
60/ HS/PT Trần Văn Thêm
61/ HS/CK Phạm Văn Ba
62/ HS/ÐK Nguyễn Ngọc Hòa
63/ HS/ÐK Trần Văn Cường
64/ HS/PT Nguyễn Văn Phương
65/ HS/PT Phan Văn Thép
66/ TT1/TP Nguyễn Văn Nghĩa
67/ TT1/TP Nguyễn Văn Ðức
68/ TT1/TP Lý Phùng Quy
69/ TT1/VT Phạm Văn Thu
70/ TT1/PT Nguyễn Hữu Phương
71/ TT1/TX Phạm Văn Lèo
72/ TT1/CK Dương Văn Lợi
73/ TT1/CK Châu Túy Tuấn
74/ TT1/DT Ðinh Văn Thục

Ghi chú:
* Đặc tính Hộ Tống Hạm: Trọng tải: 650 tấn tiêu chuẩn, 945 tấn tối đa. Kích thước: Dài 184.5 ft, ngang 33 ft, tầm nước 9.75 ft. Máy chánh: 2 máy dầu cặn Cooper Bessemer 1710 mã lực, 2 chân vịt. Vận tốc tối đa: 14 knots. Vũ khí: 1 đại bác 76 ly l thiên ở sân trước, 2 đại bác 40 ly đơn bên tả và hữu hạm ở sân giữa, 4 đại bác 20 ly đôi ở hai bên đài chỉ huy và ở sân sau.
** Đặc tính chiến hạm Khu Trục Hạm: Trọng tải: Tiêu chuẩn 1590 T, chở nặng 1850 T, Chiều dài: 306 bộ, Chiều ngang: 36.6 bộ, Chiều sâu: 14 bộ, Vũ khí: 2 khẩu 3 in (76 ly) phòng không đơn-6 ống phóng ngư lôi 12.75 in-1 dàn hedgehog quay được-2 dàn thủy lựu đạn. Máy chánh: dầu cặn 6000 mã lực, 2 trục, Tốc độ: 21 gút.
*** Đặc tính Tuần Dương Hạm: Trọng tải: tiêu chuẩn 1766 T, chở nặng 2800 T, Chiều dài: 310.75 bộ, Chiều ngang: 41.10 bộ, Chiều sâu: 13.50 bộ, Vũ khí: 1 đại bác 5 in (127 ly), 1 hay 2 súng cối 81 ly, nhiều đại liên. Máy chánh: dầu cặn 6080 mã lực, 2 trục chân vịt Tốc độ 18 gút.

No comments:

Post a Comment